Diệt mối cho cây trồng
Mối hại cây trồng có hai nhóm chính, mỗi nhóm có nhiều loài. Công nghệ diệt mối bảo vệ cây trồng đòi hỏi phải biết loài gây hại, đặc điểm từng loài để áp dụng xử lý cho thích hợp.
Ở Việt Nam mối hại cây trồng chủ yếu là loài thuộc phân họ Macrotermitinae (các loài mối cấy nấm) và các loài thuộc nhóm mối gỗ ẩm. Do đó, công tác phòng trừ mối hại cây cần tập trung vào hai nhóm mối này.
1. Đối với nhóm mối Macrotermitinae:
Do nhóm mối này có hai dạng tổ nổi và tổ chìm nên công nghệ diệt mối cũng phải khác nhau;
* Đối với tổ nổi:
Cách thứ nhất: phun các loại thuốc dạng lỏng trực tiếp vào tổ mối bằng cách tạo các lỗ từ ngoài vào khoang tổ, dùng thiết bị ép thuốc diệt mối dạng lỏng vào tổ mối với liều lượng tùy theo loại gây hại và kích thước của tổ mối. Để trách tồn dư hóa chất trong sản phẩm của cây ăn quả nên dùng chế phẩm sinh học (Metavina 80LS).
Cách thứ 2: Dùng bả diệt mối đưa vào tổ mối qua các lỗ khoan rồi đắp lại. Mối thợ sẽ khai thác bả độc rồi mớm cho các cá thể khác trong đàn, kể cả mối chúa. Sau đó cả đàn mối sẽ chết.
* Đối với các tổ chìm:
Do khó tìm được các tổ chìm nên giải pháp diệt mối gián tiếp là khả thi hơn. Tại các gốc cây hay khoảng đất mà mối hay cư trú hoạc kiếm ăn cần đặt các hộp nhử mối. Sau khi đặt thường xuyên kiểm tra xem mối có đến ăn hay không, Sau khi mối đã vào nhiều trong trạm nhử thì cho bả vào nơi mối ăn. Sau khi mối ăn bả mối sẽ chết như trong trường hợp cho bả vào tổ mối. Số lượng trạm nhử mối, lượng bả cần cho phụ thuộc vào mật độ mối hại trên vườn cây và loài mối gây hại. Loài có số lượng cá thể lớn thì cần đánh nhiều bả và ngược lại.
2. Đối với các loài thuộc nhóm mối gỗ ẩm
Tổ của các loài này thường ở trong thân cây khi thân cây đã rỗng hoặc dưới gốc cây.
* Trường hợp tổ trong thân cây
- Khi tổ nằm trong thân cây có thể dùng máy khoan khoan vào phần rỗng của thân cây. Dùng thiết bị ép dịch thuốc diệt mối dạng lỏng vào trong thân cây. Liều lượng dịch thuốc cần dùng tuỳ theo mức độ rỗng của thân cây và loại thuốc sử dụng. Vì khó có thể phun thuốc tiếp xúc với đa số các cá thể mối trong tổ nên loại thuốc thích hợp cho công tác này là loại có thể lây lan từ cá thể này sang cá thể khác. Thuốc Metavina 80LS là loại thuốc có khả năng lây lan nên đáp ứng được yêu cầu này.
* Trường hợp khi tổ mối nằm dưới gốc cây
Khi tổ mối nằm dưới gốc cây thì giải pháp diệt mối phù hợp là diệt mối gián tiếp. Tại các nơi mối kiếm ăn đặt các trạm nhử mối (thường sát gốc cây). Sau khi thấy mối vào ăn với lượng cá thể đủ lớn thì tiến hành cho bả vào trong trạm nhử. Sau khi mối thợ khai thác bả sẽ mớm chất độc cho cả đàn mối và đàn mối sẽ chết.