Diệt Ruồi
Ruồi nhà thường gặp có tên khoa học là Musca domestica, sống rất gần gũi với loài người trên thế giới. Chúng được tìm thấy ở những khu dân cư hoặc gia súc sinh sống, nơi có nhiều thực phẩm và chất thải. Ruồi nhà ăn thực phẩm của người và chất thải vì thế chúng có thể mang và phát tán nhiều loại mầm bệnh khác nhau như ỉa chảy, bệnh nhiễm trùng da và mắt….
Vòng đời của ruồi trải qua 4 giai đọan: trứng, dòi, nhộng và ruồi trưởng thành. Tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường mà từ trứng nở thành ruồi trưởng thành thường mất từ 3 - 5 ngày. Ruồi trưởng thành có đời sống khoảng 1-2 tháng, ở điều kiện thích hợp có thể sống đến 3 tháng.
Ruồi nhà có sức sinh sản khá nhanh và mạnh, ruồi cái có thể đẻ đến 150 trứng trong vòng 5-6 ngày. Nên quần thể ruồi nhà có thể bùng phát số lượng trong vòng vài tuần.
Trứng ruồi thường được đẻ thành khối trên chất hữu cơ như phân bón, rác rưởi. Trứng sau khi đẻ sẽ nở trong vòng vài giờ. Dòi non chui lúc nhúc trong phân và rác rưởi. Dòi ruồi dài và mảnh, màu trắng, không có chân, phát triển rất nhanh, lột xác 3 lần rồi thành nhộng. Giai đọan nhộng thường kéo dài từ 2-10 ngày, đến ngày cuối, ruồi con đẩy mở đỉnh của bao nang nhộng, xé bao nang và chui ra ngòai. Ngay sau khi nở, ruồi giang cánh để khô và cứng cơ thể. Chỉ vài ngày sau khi nở, ruồi có thể sinh sản.
Một số tập tính của ruồi
Ruồi trưởng thành có màu xám đen, dài 6-9 mm và có 3 sọc đen kéo dài trên tấm lưng của các đốt ngực. Kiểu miệng liếm hút. Cả ruồi đực và cái đều ăn tất cả thức ăn, rác rưởi, chất thải của người và cả phân động vật. Nước là chất thường ngày không thể thiếu của ruồi, ruồi sẽ chết nếu sau 48 giờ không hút nước. Một ngày ruồi cần ăn 2-3 lần.
Ruồi hoạt động chủ yếu vào ban ngày khi chúng ăn và giao phối, về đêm bình thường ruồi đậu yên. Ban ngày, khi không tìm thức ăn, ruồi thường trú đậu ở sàn nhà, tường, trần nhà, cũng như ngòai bờ rào, hần nhà xí, thùng rác, dây phơi quần áo, thảm cây thấp… Ruồi thường tập trung ở các điểm tìm kiếm thức ăn, nơi giao phối, nơi đẻ trứng và nơi trú đậu. Ban đêm ruồi ưa đậu ở trần nhà và những cấu trúc treo cao khác, nhìn chung gần với nơi kiếm ăn, nơi đẻ và tránh được gió. ảnh hưởng của ruồi đối với sức khỏe cộng đồng.
Khi số lượng ruồi quá nhiều nó sẽ gây rất khó chịu cho con người làm việc và nghỉ ngơi. Ruồi với chất bẩn mang trên thân, chân, vòi… làm bẩn nhà cửa, đồ đạc. Sự có mặt của chúng là dấu hiệu của điều kiện mất vệ sinh.
Ruồi mang mầm bệnh khi chúng kiếm ăn. Mầm bệnh có thể dính bề mặt ngoài cơ thể ruồi và có thể được nuốt vào trong đường tiêu hóa với thức ăn. Mầm bệnh được truyền đến người khi ruồi tiếp xúc với người và thức ăn. Đa số mầm bệnh do ruồi truyền đều nhiễm trực tiếp qua đường thức ăn, nước uống…
Những bệnh do ruồi truyền như kiết lỵ, ỉa chảy, thương hàn, tả và một số bệnh giun sán, nhiễm trùng mắt và một số bệnh ngoài da như mụn cóc, nấm, phong.
Những cách diệt ruồi
Cách 1: Việc treo những túi nylon chứa nước trong veo dùng để xua đuổi ruồi là căn cứ vào đặc điểm ruồi thích ánh sáng thường ban ngày, do mắt kép của ruồi có phản xạ nhanh với ánh sáng phản chiếu bởi loại gương cầu. Khi ruồi bay đi bay lại tìm chỗ trú đậu đã gặp phải ánh sáng phản quang từ các túi nylon chứa nước trong, ruồi sẽ sợ và bay ra nơi khác. Biện pháp này đơn giản nhưng xua đuổi ruồi rất có kết quả.
Cách 2: Một biện pháp dân gian đơn giản khác cũng đã được ứng dụng căn cứ vào đặc điểm ruồi thường thích ánh sáng thường ban ngày và sợ tối. Vì vậy khi có nhiều ruồi hoạt động ở trong nhà, có thể dùng quạt xua đuổi hết ruồi ra khỏi nhà và thả rèm cửa sổ, mành cửa chính, ngăn không cho ruồi bay lại vào nhà. Do trong nhà bớt ánh sáng nên số lượng ruồi sẽ giảm và ruồi không bay vào nhà được nữa.
Nếu muốn diệt ruồi, có thể dùng mồi bả diệt bằng cách dùng hóa chất loại propoxur với tỷ lệ thấp 1-2% trộn với bột tôm nghiền nhỏ, cho đường ngọt và một ít nước vào trộn đều để có dạng sền sệt. Đựng mồi bả diệt ruồi đã pha chế vào một cái đĩa và đặt vào nơi có nhiều ruồi hoạt động.
Cách 3: Để xua đuổi ruồi và các thứ côn trùng khác, có thể dùng trái thầu đâu phơi khô, xay vụn, đổ trừng lớp mỏng trên mủng, thúng, hoặc đựng trên chén, đưa đến gần nơi ruồi đậu, hoặc rải một lớp trong hoặc quanh nhà, ruồi và các loài côn trùng khác sẽ tránh xa. Cứ vài ba ngày một cần thay mới thầu đâu một lần.
Cây thầu đâu (xoan) gốc ấn-độ, có tên là cây “Neem”, hiện tại được sử dụng nhiều ở các nước châu Phi, miền các đảo Caribbe. Nước ta cũng đã đưa vào trồng ở Phan Thiết, Bình Thuận và các nơi khác.
Cách 4: Đốt 50-100g lá bầu khô để khói xông vào chuồng nuôi gia súc, gia cầm, khói của lá bầu khô có tác dụng xua đuổi ruồi khỏi chuồng nuôi. Sắc 200g lá bầu tươi, lấy nước tắm cho 1 con trâu, bò trưởng thành hay 2 con bê, nghé, lợn lớn. Mùi lá bầu tươi có tác dụng xua đuổi ruồi khỏi cơ thể vật nuôi.